Mỹ mở cửa bầu trời: Hàng không thế giới có dấu hiệu khởi sắc
Mỹ đang chuẩn bị đón đợt sóng lớn du khách quốc tế khi đường hàng không được khai thông lúc 00g01 ngày 9/11. Đây là lần đầu tiên hàng không nước Mỹ khai thông trở lại sau 20 tháng đóng cửa để khống chế dịch. Việc nước Mỹ nối lại các tuyến bay đường dài buộc nhiều thị trường hàng không khác trên thế giới phải mở cửa nếu không muốn bị thua thiệt.
Các chuyến bay kín chỗ.
Hãng United Airlines nói lượng hành khách quốc tế nhập cảnh sẽ tăng 50% trong ngày hôm nay so với con số 20.000 khách mà hãng này tiếp nhận vào hôm 1-11. Riêng CEO Ed Bastian của hãng Delta Air Lines cảnh báo rằng hành khách phải đợi xếp hàng khá lâu. “Lúc đầu chúng tôi có thể quá tải một chút. Tôi có thể chắc chắn rằng khách sẽ xếp hàng dài để chờ đợi. Chúng tôi sẽ sớm giải quyết việc này”, ông Bastian nói.
Nhiều chuyến bay của Delta sẽ hạ cánh xuống các sân bay quốc tế ở Mỹ trong ngày hôm nay với tỷ lệ khách 100%. Kế từ khi Mỹ tuyên bố mở cửa trở lại cách đây sáu tuần, số booking tuyến bay quốc tế của Delta đã tăng 450% so với sáu tuần trước đó – theo người phát ngôn Morgan Durrant.
Khoảng 253 chuyến bay quốc tế sẽ hạ cánh trong hôm nay, tăng 11% so với ngày đầu tuần trong tháng 10 tại các sân bay quốc tế Newark Liberty và John F. Kennedy – theo Cơ quan phụ trách cảng New York và New Jersey. Cơ quan nói số chuyến bay sẽ tăng dần trong vòng hai tháng tới, với số chuyến bay quốc tế đạt mức 75% so với các con số của tháng 11 và 12-2019.
Các hãng hàng không Mỹ đang chú trọng thúc đẩy các chuyến bay đến châu Âu và các điểm đến khác đang bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm trước đó. Các hãng này đang chuẩn bị những sự kiện chào đón du khách nước ngoài tại khắp các sân bay của Mỹ trong ngày hôm nay. Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Chủ tịch hãng United Airlines Brett Hart sẽ cùng chủ trì lễ đón khách tại sân bay quốc tế O’Hare tại Chicago trong sáng nay (theo giờ địa phương) để mừng sự kiện nước Mỹ mở cửa trở lại.
Các quan chức Mỹ dự định sẽ tổ chức một sự kiện trực tuyến trên Instagram để trả lời du khách khắp nơi trên thế giới trong ngày 9-11.
Mỹ từng cấm nhập cảnh những người không phải công dân Mỹ và trong vòng 14 ngày trước khi đã bay đến 33 nước sau – gồm 26 nước thuộc khối Schengen ở châu Âu không có kiểm soát biên giới, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Iran, Brazil, Anh và Ireland.
US Travel (Hiệp hội Lữ hành Mỹ) nói những quốc gia chiếm đến 53% tổng du khách đến Mỹ trong năm 2019 và các cộng đồng biên giới bị thiệt hại nghiêm trọng khi mất đi nguồn khách từ bên kia biên giới Mexico và Canada. Hiệp hội ước đoán rằng số du khách sụt giảm đã làm “thiệt hại gần 300 tỉ đô la kim ngạch xuất khẩu tại chỗ của nền kinh tế Mỹ” kể từ tháng 3-2020.
Khách phải xếp hàng lâu hơn.
Các hãng hàng không mở lại các tuyến bay quốc tế, cũng đồng nghĩa là số nhân viên trở lại làm việc và số máy bay nằm đất trở lại bầu trời tăng dần. Tuy nhiên, thiếu hụt nhân viên có thể là vấn đề đối với một số hãng bay và dịch vụ mặt đất, đặc biệt là các đòi hỏi nhân viên phải tiêm chủng đầy đủ ở châu Âu và Mỹ.
Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) và Cục An toàn Giao thông (TSA) đều thiếu nhân viên. Cả hai nơi này đang chạy đua với hạn chót là trước ngày Lễ Tạ ơn 25-11 là phải tuân thủ lệnh của liên bang là toàn thể nhân viên bắt buộc phải tiêm chủng vaccine.
Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Kevin Munoz tuyên bố trên Twitter: “Chúng tôi tin rằng nhu cầu sẽ rất cao khi Mỹ gỡ bỏ các giới hạn đi lại bằng đường không và đường bộ hiện nay vào hôm nay. Chúng tôi đang thực hiện các bước chuẩn bị quan trọng để hỗ trợ việc tiếp nhận luồng khách đông đảo”.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã có nhiều cuộc gặp với các hãng hàng không Mỹ để chuẩn bị cho “đợt lũ” du khách quốc tế tràn đến các sân bay Mỹ. Chính quyền cũng khuyến cáo với du khách đi đường bộ và đường thủy từ Canada và Mexico về thời gian chờ đợi dài hơn từ hôm nay 8-11.
Khai thông thị trường bay màu mỡ nhất thế giới.
Lượng khách bay quốc tế sẽ hồi phục dần, với tốc độ khiêm nhường. Theo hãng phân tích dữ liệu hàng không OAG, số chỗ đã đặt trên các chuyến bay từ châu Âu đến Mỹ trong tháng 12 này dự báo sẽ bằng 67% con số của tháng 12-2019.
Trước dịch, doanh số hàng năm của British Airways trên đường bay London – New York đạt đến 1 tỉ đô la. Tuyến bay giữa hai sân bay Heathrow – John F. Kennedy được mệnh danh là đường bay màu mỡ, hấp dẫn nhất toàn cầu bởi số lượng du khách và doanh nhân đi công việc luôn cao nhất. Sau 20 tháng đình trệ, giờ đây đường bay doanh số cao nhất hoạt động trở lại, đánh dấu bước chuyển chính trong việc phục hồi lại các tuyến bay đường dài xuyên Đại Tây Dương. British Airways đón chào sự kiện trọng đại này với việc khôi phục lại số hiệu BA001 vốn chỉ dành cho các chuyến bay bằng máy bay siêu thanh Concorde trước đây.
Nhiều hãng hàng không châu Âu và Mỹ khác cũng sẽ hưởng lợi từ những chuyến bay nối các đầu cầu London, Paris và Frankfurt ở châu Âu với các điểm đến New York, Chicago và Los Angeles ở bên kia Đại Tây Dương.
Cạnh tranh trên các tuyến bay xuyên Bắc Đại Tây Dương thường xoay quanh ba liên minh chính, với các hãng hàng không Âu – Mỹ đểu hưởng quyền miễn trừ chống độc quyền tại châu Âu và Mỹ, cho phép liên minh hoạt động như một hãng, phối hợp lịch bay, chia sẻ chi phí và doanh thu.
Liên minh đạt nhiều lợi nhuận nhất là British Airways – American Airlines. Nhu cầu đặt vé của American Airlines đã ngang bằng với mức trước dịch và hãng dự báo là nhu cầu bay công tác sẽ hồi phục vào quí đầu năm 2022.
Liên minh thứ hai là Virgin Atlantic – Delta Air Lines, với các chuyến bay từ châu Âu đến Mỹ đều đầy khách 100%. Delta cho biết sẽ tăng chuyến trong mùa đông này từ các đầu cầu châu Âu như London, Amsterdam, Munich, Dublin và Frankfurt.
Liên minh thứ ba là Air France-KLM với các đại bản doanh ở Paris và Amsterdam cùng quyền đón khách ở Healthrow.
Bên cạnh đó là sự trỗi dậy của Lufthansa – vốn liên minh với United. Hãng hàng không Đức sẽ khai thác 200 chuyến bay mỗi tuần đến 17 sân bay ở Mỹ trong tháng 11 này. Số booking của hãng đã tăng 50% kể từ khi chính phủ Mỹ tuyên bố mở lại bầu trời, một số tuyến đến New York đã tăng bốn lần. CEO Carsten Spohr của Lufthansa nói rằng nhu cầu bay công tác đang tăng mạnh, đặc biệt là từ các hãng kỹ thuật, xe hơi và dược phẩm.
“Sự kiện hôm nay có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành hàng không. Nhưng thông điệp của sự kiện lại lớn hơn. Đó là khi nước Mỹ vẫn đóng cửa đối với châu Âu thì cũng đồng nghĩa rằng nhiều quốc gia lại cảm thấy thoải mái với việc đóng cửa biên giới của họ”, Tổng giám đốc Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) Willie Walsh phát biểu.
Theo KTSG online