Cách ly 7 ngày với khách quốc tế có quá thận trọng
Tại toạ đàm mở lại thị trường hàng không quốc tế sáng 10.11 do Báo Giao thông tổ chức, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam, cho biết ngành hàng không từng nhiều lần có ý định mở lại các đường bay quốc tế song chưa triển khai được. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là yêu cầu về cách ly y tế với khách nhập cảnh.
“Chính phủ đã chuyển đổi từ zero Covid sang thích ứng linh hoạt, đây là một sự thay đổi rất quan trọng. Các chuyến bay thí điểm combo đưa công dân về nước đã được thực hiện từ tháng 9.2020, đảm bảo kiểm soát người nhập cảnh, không để lây nhiễm ra cộng đồng. Quá trình thí điểm”, ông Cường nói.
Theo PGS - TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mở lại bay quốc tế là nhu cầu cấp thiết. Các nước xung quanh đều đã mở cửa và có quy định cách ly y tế nhẹ nhàng hơn.
“Chúng ta đang quy định cách ly 7 ngày, nhưng Thái Lan chỉ yêu cầu xét nghiệm 72 tiếng trước đó và sau khi đến Thái Lan, có hộ chiếu vắc xin. Như vậy, khách đến Thái Lan chỉ nghỉ 1 đêm ở khách sạn, hôm sau có PCR âm tính là có thể đi khắp nơi”, ông Nga nói.
Về khía cạnh dịch tễ, theo ông Nga, nếu đã tiêm vắc xin, xét nghiệm âm tính là tương đối an toàn với người xung quanh và không cần cách ly 7 ngày.
“Trước đây, khi đoàn khách nước ngoài vào, chúng ta quan tâm họ lây dịch ra Việt Nam, nhưng giờ quan tâm điều trị cho họ ra sao nếu họ nhiễm Covid-19. Như Thái Lan quy định, người vào nước này phải có bảo hiểm trị giá 50.000 USD, Singapore là 100.000 USD. Để mở cửa hàng không, cần chuẩn bị thêm cho ngành y tế về pháp lý, cũng như cơ sở vật chất điều trị”, ông Nga khuyến cáo.
Doanh nghiệp trong nước rất “sốt ruột”.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và phát triển Vietnam Airlines, cho biết "các hãng hàng không và các công ty lữ hành, du lịch trong nước đang vô cùng sốt ruột". Nếu tiếp tục duy trì trong thời gian dài nữa, nhiều doanh nghiệp sẽ bị biến mất trên thị trường. Khi mở cửa trở lại, năng lực cạnh tranh sẽ rất yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài và khả năng phục hồi lại của thị trường cũng sẽ chậm hơn so với các doanh nghiệp lớn, lâu năm.
Thứ hai, xét về cạnh tranh của quốc gia, cạnh tranh điểm đến, việc chậm triển khai các bước mở cửa lại cho khách du lịch sẽ dẫn đến cạnh tranh điểm đến của Việt Nam thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng.
Liên quan đến quy định cách ly, theo ông Nguyễn Lê Phúc, Tổng cục phó Tổng cục Du lịch, ngành du lịch đã có những chương trình trọn gói, thiết lập “bong bóng” để du khách nghỉ ngơi. Về hộ chiếu vắc xin, đây là giấy chứng nhận người đã tiêm chủng, F0 khỏi bệnh. Bộ Ngoại giao đã đàm phán và được hơn 70 nước công nhận, các du học sinh của Việt Nam mang ra nước ngoài đều được các nước chấp nhận (ứng dụng duy nhất là PC-COVID).
Ông Phúc cũng cho rằng, hiện toàn ngành du lịch đã chuẩn bị điều kiện an toàn để sẵn sàng trở lại đón khách, từng bước mở cửa trở lại thị trường. Việc mở cửa thí điểm trở lại tại Thái Lan đã được triển khai từ 1.7.2021; chương trình Asean box cũng mở cửa và tính đến giữa tháng 10 đã có khoảng 50.000 lượt khách quốc tế đến Thái Lan và 800.000 đơn vị phòng đã được đặt đến tháng 2.2022. Trong số du khách quốc tế đến Thái, chỉ có 91 người mắc SARS-CoV-2. Bất chấp số ca mắc vẫn tăng tại Phuket (Thái Lan) vẫn mở rộng đón du khách tiêm chủng từ đến từ hơn 45 quốc gia có nguy cơ thấp đến 17 khu vực, trong đó có Bangkok.
“Tốc độ tiêm của Việt Nam hiện là 2 triệu mũi vắc xin/ngày là rất nhanh, việc mở cửa du lịch quốc tế là phù hợp, trên tinh thần đảm bảo an toàn phòng chống dịch”, ông Phúc nói.
(Theo Thanh niên)